PHẦN 1: Giải thích chi tiết đặc trưng và lợi ích của việc dịch chuyển lên Cloud AWS
AWS là dịch vụ điện toán đám mây (Cloud Service) được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Vì thế, thật dễ hiểu khi có rất nhiều doanh nghiệp đang xem xét việc chuyển đổi từ mô hình server truyền thống On-premise sang nền tảng đám mây của AWS.
Với loạt bài viết được chia thành 4 phần, Sunny Cloud muốn mang tới cho các doanh nghiệp, tổ chức đang quan tâm đến việc chuyển đổi đám mây nói chung và AWS nói riêng cái nhìn tổng quan về những đặc trưng và lợi ích của AWS, chia sẻ kiến thức nền tảng về việc dịch chuyển lên cloud AWS và những tips để dịch chuyển thành công.
Trong phần 1 này, chúng ta cùng tìm hiểu các đặc trưng và so sánh những ưu điểm của AWS với mô hình server truyền thống On-premise.
On-Premise là mô hình trong đó hệ thống thông tin như máy chủ server hay các phần mềm liên quan được cài đặt trong các trung tâm dữ liệu vật lý do doanh nghiệp tự quản lý. Ở mô hình này, doanh nghiệp cần tự xây dựng cấu trúc máy chủ server, phát triển các ứng dụng song song với việc bảo trì – vận hành chúng.
Vậy AWS có những đặc trưng và ưu điểm gì so với mô hình truyền thống? Có 4 điểm nổi bật không thể không nhắc tới khi tìm hiểu về AWS:
(1) Thanh toán theo mức sử dụng (Pay As You Go)
AWS áp dụng mô hình Thanh Toán theo mức sử dụng (Pay as you go), chỉ thanh toán cho phần đã sử dụng nên sẽ không phát sinh chi phí khởi tạo ban đầu.
Với mô hình máy chủ vật lý On-premise, doanh nghiệp cần bỏ ra một số vốn nhất định để khởi tạo máy chủ của mình như: chi phí mua thiết bị phần cứng (hardware), chi phí lắp đặt,… Dù mất rất nhiều chi phí để khởi tạo được máy chủ theo mô hình này, nhưng doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ lãng phí tài nguyên khi không tận dụng triệt để phần cứng đã mua và thiết lập.
Mô hình của AWS thì ngược lại, doanh nghiệp chỉ trả tiền cho phần sử dụng, khi không sử dụng nữa sẽ không phát sinh thêm chi phí. Bảng cước phí luôn được công khai chi tiết và rõ ràng trên website của AWS. Và một điều có thể chưa được biết đến rộng rãi: mức phí của AWS đã được giảm giá hơn 80 lần trong suốt 10 năm qua!! Đây là lợi ích có được từ việc AWS được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu với quy mô kinh tế lớn, và người dùng được hưởng rất nhiều ưu đãi về giá qua các năm.
(2) Dịch vụ phong phú
Hiện AWS đang cung cấp hơn 175 loại dịch vụ khác nhau. Trong đó các dịch vụ tiêu biểu là: dịch vụ máy chủ ảo [Amazon EC2], dịch vụ lưu trữ [Amazon S3], cơ sở dữ liệu [Amazon RSDS], hay dịch vụ cung cấp môi trường lập trình và triển khai mã code tự động [AWS Lambda] v.v… Ngoài ra, AWS còn cung cấp các dịch vụ dành riêng cho AI và IoT với công nghệ tiên tiến. Với sự phát triển đa dạng về dịch vụ và tính năng, doanh nghiệp có thể xây dựng toàn bộ hệ thống của mình trên nền tảng của AWS.
Trong khi đó, xây dựng một hệ thống theo mô hình máy chủ vật lý truyền thống On-premise cần kết hợp sản phẩm phần cứng, phần mềm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, dẫn tới việc thiết lập hệ thống cũng trở nên phức tạp hơn. Trong trường hợp phát sinh sự cố sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ngược lại với AWS, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng toàn bộ hệ thống chỉ trên một nền tảng duy nhất, mọi thắc mắc hay trợ giúp có quy về một mối, giúp tiết kiệm thời gian quý báu.
(3) Bảo mật an toàn
AWS được trang bị các tính năng bảo mật cao nên có thể đáp ứng được ngay cả các yêu cầu tuân thủ bảo mật nghiêm ngặt của doanh nghiệp như tự động mã hóa kết nối và dữ liệu, trực quan hóa tình trạng bảo mật bằng việc sử dụng dịch vụ Monitoring hay Log data (log file), tự động xử lý và khắc phục sự cố. Tự động hóa các tác vụ liên quan tới bảo mật cũng giúp người dùng tránh được những lỗi cài đặt do con người.
Hiện nay, AWS đã và đang được tin dùng trong những lĩnh vực có yêu cầu tuân thủ về bảo mật cao như lĩnh vực tài chính hay thông tin chính phủ. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về tuân thủ bảo mật, AWS kiểm chứng yêu cầu tuân thủ quốc tế định kì, và thực hiện kiểm chứng khách quan bởi một bên thứ 3.
(4) Khả năng triển khai toàn cầu
AWS được cấu thành từ các cụm trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới gọi là Region, và các tập hợp trung tâm dữ liệu trong một khu vực Region được gọi là Availability Zone (AZ). Tại thời điểm tháng 09 năm 2020, số lượng Region là 31, và số lượng AZ là 99.
Sau khi tạo tài khoản trên AWS, người dùng có thể triển khai hệ thống của mình đến các data center trên toàn thế giới. Hiểu một cách đơn giản: một hệ thống được xây dựng ở Region Tokyo có thể được phân phối trên toàn thế giới bằng dịch vụ Amazon CloudFront.. Ngoài ra, hệ thống cân bằng tải Elastic Load Balancing (ELB) sẽ giúp phân bổ lưu lượng tải cho hệ thống một cách hiệu quả.
𝑇ℎ𝑎𝑚 𝑘ℎ𝑎̉𝑜:
Comments
[…] AWS Lambda là một dịch vụ tính toán, giúp bạn chạy các đoạn code bằng việc sử dụng các tài nguyên của AWS mà không cần cung cấp hoặc quản lý máy chủ. Nói một cách đơn giản, AWS Lambda là một dịch vụ tính toán hướng sự kiện trong, thực thi các đoạn code khi có sự kiện xảy ra trong môi trường AWS. […]
[…] khi tìm hiểu về AWS MGN, chúng ta cần hiểu có 7 phương pháp để chuyển đổi sang AWS, chúng được gọi là 7R. Dưới đây tôi đã tập hợp chúng thành danh sách, liệt […]
[…] phương án Enterprise On-Ramp là 5,500 USD hoặc 10% chi phí sử dụng hàng tháng của AWS (mức nào cao hơn sẽ được áp […]